Khai trương tuyến hàng hải (container) Hàn Quốc - Chu Lai & Khởi công mở rộng Cảng Chu Lai - Trường Hải (Bến số 1, Tam Hiệp - Kỳ Hà)
Năm 2003, Thaco đầu tư xây dựng Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Tại thời điểm đó, Thaco đối diện khó khăn lớn nhất là vận chuyển. Hàng linh kiện CKD từ Hàn Quốc phải về thành phố Hồ Chí Minh, sau đó mới về Chu Lai dẫn đến chi phí tăng lên gấp 2 lần và thời gian lâu hơn. Cùng với việc đưa nhà máy sản xuất xe bus, xe du lịch Kia vào hoạt động, Thaco cũng đã đầu tư xây dựng Cảng Chu Lai - Trường Hải (bến Tam Hiệp - Cảng Kỳ Hà) có ưu điểm là cảng biển kín gió, gần Quốc lộ 1A và nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đến năm 2012 đã hoàn thành giai đoạn 1 có chiều dài cầu cảng 300m, có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn, trên tổng diện tích 40 hecta, bao gồm: 44.000m2 bãi container, 70.000m2 kho ngoại quan, kho hàng và kho chất lỏng với vốn đầu tư 400 tỷ đồng; Đồng thời Thaco cũng đầu tư và đưa vào hoạt động 2 tàu có tải trọng 15.000 tấn với sức chở hơn 1.000 TEU hoạt động chuyên tuyến Phòng Thành (Trung Quốc) - Chu Lai và thành phố Hồ Chí Minh - Chu Lai, hình thành chuỗi dịch vụ logistics trọn gói bao gồm: vận tải biển, cảng biển, vận tải đường bộ và kho bãi. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng từng năm, trong đó đạt 450.000 tấn trong năm 2014, 950.000 tấn trong năm 2015 và dự kiến đạt 1.350.000 tấn năm 2016.
Việc phát triển dịch vụ logistics đã phục vụ và góp phần phát triển sản xuất. Hiện nay, Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải có diện tích gần 400 ha với 4 nhà máy lắp ráp ô tô và 21 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng... góp phần đưa Thaco vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam vào năm 2014. Năm 2015, Thaco tiếp tục dẫn đầu với tổng số xe bán ra là 80.421 xe, đứng đầu cả nước, chiếm 38,6% thị phần Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 45.800 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD. Tổng nộp ngân sách trong năm 2015 là 13.856 tỷ đồng, trong đó, tại tỉnh Quảng Nam là 10.096 tỷ đồng với tổng nhân sự hơn 15.500 người, trong đó, tại Chu Lai là 8.000 người. Năm 2016, Thaco đề ra kế hoạch bán ra 112.336 xe. Tổng doanh thu hợp nhất là 71.735 tỷ tương đương 3 tỷ USD, tổng nộp ngân sách 20.018 tỷ đồng, trong đó, tại tỉnh Quảng Nam 15.178 tỷ đồng.
Hướng đến hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018 và thực hiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/7/2014, Thaco và tỉnh Quảng Nam đã khởi công đầu tư mở rộng Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải thêm 210 hecta, để thực hiện các dự án: Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô đến 9 chỗ ngồi (công suất 100.000 xe/năm); xe ô tô tải đến 25 tấn (công suất 100.000 xe/năm); xe ô tô khách từ 10 chỗ ngồi trở lên (công suất 20.000 xe/năm);cùng với các nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện phụ tùng nhằm đáp ứng tỉ lệ nội địa hóa trên 40% đạt điều kiện xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN.
Đặc biệt, Thaco khai trương mở tuyến hàng hải (container) quốc tế vận chuyển trực tiếp từ Hàn Quốc về Chu Lai nhằm tiết giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và thu hút đầu tư vào Chu Lai - Quảng Nam.
Song song với đó, Thaco tổ chức khởi công mở rộng cảng Chu Lai - Trường Hải với 170m cầu cảng về phía thượng lưu đạt tổng chiều dài gần 500m có vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư tại Cảng lên trên 800 tỷ đồng và sẽ hoàn thành vào tháng 2/2017. THACO có kế hoạch nạo vét luồng để đáp ứng tàu 30.000 tấn (năm 2018).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco chia sẻ: “Việc mở tuyến hàng hải này không chỉ giảm được chi phí vận chuyển mà trước đây phải đưa về cảng thành phố HCM hoặc cảng Đà Nẵng rồi sau đó vận chuyển về Chu Lai, mà còn đánh dấu bước ngoặc đưa Cảng Chu Lai - Trường Hải trở thành cảng xuất khẩu của Quảng Nam trước mắt là trực tiếp đi Hàn Quốc. Đồng thời, sự kiện này cũng có ý nghĩa rất lớn và trọng đại với Thaco. Sau hơn 14 năm đầu tư phát triển tại Chu Lai, đến hôm nay mới đạt được sản lượng đủ lớn và ổn định để thiết lập được tuyến vận chuyển này, từng bước giải quyết được bất cập về Logistics và góp phần xúc tiến đầu tư sản xuất tại Chu Lai nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.”