Bài tham luận của chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương tại Hội nghị "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước" tại Dinh Thống Nhất - ngày 29.4.2016
Kính thưa: Ông Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính Trị - Thủ Tướng Chính phủ cùng quý lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ Ngành Trung ương.
Kính thưa Lãnh đạo các tỉnh, thành trên toàn quốc đang tham dự hội nghị trực tuyến.
Kính thưa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Quý vị đại biểu và toàn thể hội nghị.
Công ty ô tô Trường Hải (Thaco) được thành lập năm 1997 với ngành nghề buôn bán và sửa chữa ô tô. Thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Ô tô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2002. Năm 2003 công ty đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất lắp ráp ô tô tại khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, đến nay đã hình thành nên một khu phức hợp sản xuất lắp ráp ô tô đầy đủ các chủng loại xe con, xe buýt, xe tải với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất và có quy mô lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, Thaco đã vươn lên đứng đầu thị trường Ô tô Việt Nam từ năm 2014, chiếm thị phần gần 40% trong bối cảnh thị trường có hầu hết các thương hiệu ô tô hàng đầu trên thế giới đã đầu tư sản xuất, kinh doanh rất lâu từ trước đó. Hiện nay, Thaco là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam về tổng tài sản, nguồn vốn, doanh thu và lợi nhuận.
Với những bài học, kinh nghiệm có được trong thời gian phát triển vừa qua và nhất là những trăn trở, suy nghĩ để xây dựng kế hoạch hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018 mà có thể nói ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nói chung và Thaco nói riêng sẽ gặp khó khăn, thách thức nhất. Tôi xin được đóng góp một số ý kiến như sau:
1. Chính phủ cùng các bộ, ngành chủ quản (với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp) đánh giá lại một cách tổng quát và chi tiết thực trạng các ngành, nghề kinh tế đặc biệt là các ngành công nghiệp trong bối cảnh hội nhập qua các tiêu chí: lực lượng doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp về trình độ công nghệ, năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để cập nhật lại chiến lược đã được soạn thảo nhằm có định hướng đúng cho doanh nghiệp; đưa ra những chính sách nhất quán và thống nhất với các bộ, ngành liên quan và có giải pháp điều hành năng động, hiệu quả. Qua đó, điều hành và phân bổ các nguồn lực nhất là nguồn tài chính của toàn xã hội vào các ngành kinh tế có tác dụng đóng góp lớn và lâu dài cho nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.
2. Đối với những ngành công nghiệp có động lực phát triển các ngành công nghiệp khác và các ngành công nghiệp mũi nhọn cần có chính sách bảo vệ thị trường phù hợp với cam kết hội nhập và lộ trình hợp lý nhằm thu hút các nhà công nghiệp nước ngoài vào sản xuất tại Việt Nam và tạo cơ hội, điều kiện để các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với các nhà công nghiệp nước ngoài để học công nghệ, quản trị và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của họ.
3. Cần phải có chính sách chặt chẽ, biện pháp xử lý nặng và nghiêm minh để hạn chế tối đa các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng để bảo vệ ngay (trước khi quá muộn) các doanh nghiệp làm ăn chân chính và đề cao việc làm ăn chân chính của doanh nghiệp đồng thời bảo vệ uy tín chung cho các sản phẩm và thương hiệu Việt Nam được tin dùng khi mà hàng hoá nước ngoài sẽ tràn ngập trong bối cảnh hội nhập.
4. Giao cho các thành phố lớn là đầu tàu của nền kinh tế, nơi tập trung đông đảo các doanh nghiệp hàng đầu và thuơng hiệu lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội làm đầu mối nghiên cứu từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh, lắng nghe từ cộng đồng doanh nghiệp để phản ánh những bất cập trong chính sách, thủ tục hành chính và có những đề đạt những chiến lược đột phá và thể chế thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
5. Có giải pháp đề cao sự đồng hành cùng doanh nghiệp của hệ thống chính trị tại các tỉnh, thành phố. Qua đó nắm bắt được tình hình hoạt động của doanh nghiệp, chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, động viên kịp thời và tạo ra môi trường làm ăn thông thoáng, hiệu quả và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
6. Có giải pháp quản lý để tránh xảy ra những đổ vỡ, thất bại do chủ quan của những doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp lớn gây tác hại đến nguồn tài chính và nền kinh tế. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ, chia sẻ từ chính phủ, xã hội nhất là sự giúp đỡ từ cộng đồng doanh nghiệp đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng gặp khó khăn thất bại do điều kiện khách quan.
Kính thưa Thủ tướng, quý lãnh đạo, quý đại biểu và cộng đồng doanh nghiệp
Chủ thể chính tham gia hội nhập là cộng đồng doanh nghiệp thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình và nền kinh tế của đất nước. Chúng ta chỉ có khả năng cạnh tranh và Hội nhập chỉ thành công khi cộng đồng doanh nghiệp mạnh và nền kinh tế mạnh. Triết lý kinh doanh là doanh nghiệp phải luôn cạnh tranh lành mạnh với nhau để luôn tạo ra những giá trị thật, giá trị tốt hơn cho khách hàng thông qua sản phẩm, dịch vụ của mình nhưng đồng thời cũng phải hợp tác, giúp đỡ nhau để hình thành một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mạnh và có đóng góp cho nền kinh tế mạnh lên thông qua hoạt động của doanh nghiệp mình.
So sánh tương quan trong bối cảnh hội nhập thì doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta còn nhỏ và yếu về mọi mặt. Hội nhập là con đường tất yếu để đất nước chúng ta phát triển và lộ trình hội nhập là đủ dài nhưng chúng ta đã có những sai lầm chủ quan để nền kinh tế và một số doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp lâm vào khó khăn. Khủng hoảng 2007 - 2008 và 2011 - 2013 và có những hệ lụy đến hôm nay khi mà chúng ta xa rời với triết lý kinh doanh và chủ quan trong chiến lược phát triển kinh doanh và năng lực của mình.
Hiện nay, hội nhập đã cận kề và bắt đầu. Thế hệ cộng đồng doanh nghiệp chúng ta hôm nay đang gánh vác sứ mệnh phát triển doanh nghiệp của mình và phát triển nền kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập nhiều khó khăn thách thức, mà nếu chúng ta không thành công thì thế hệ đi sau sẽ rất khó để tiếp nối sự nghiệp. Trong hoàn cảnh này, không gì khác hơn là chúng ta phải đề cao đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, rèn luyện ý chí, nghị lực và tinh thần yêu nước để phát triển doanh nghiệp của mình bền vững trong bối cảnh hội nhập sắp tới.
Rất mong, chính phủ sẽ làm tốt vai trò định hướng, kiến tạo và điều hành nền kinh tế và có những chính sách, giải pháp thiết thực, kịp thời để giúp cộng đồng doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ là động lực phát triển kinh tế. Rất mong người tiêu dùng, xã hội hãy ủng hộ và giám sát để đất nước có một cộng đồng doanh nghiệp mạnh và nền kinh tế mạnh.
Hôm nay, Hội nghị Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ, được tổ chức tại dinh Thống nhất vào ngày kỷ niệm đất nước thống nhất. Tôi xin kính chúc Hội nghị và công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập thành công rực rỡ như đại thắng mùa xuân năm 1975 mà cha anh chúng ta đã làm nên lịch sử.
Kính chúc Thủ Tướng, lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, các tỉnh, thành, quý đại biểu và cộng đồng doanh nghiệp mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.