THACO luôn được biết đến là doanh nghiệp ô tô hàng đầu Việt Nam suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, với chiến lược phát triển đưa THACO trở thành tập đoàn đa ngành, ngoài ô tô và cơ khí là chủ lực, tập đoàn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao để đầu tư và phát triển. Đây là một trong những quyết định mang tính chiến lược tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. 
 
Từ khi bắt đầu dự án nông nghiệp, cụm từ “THACO làm nông nghiệp” đang dần trở nên quen thuộc. Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất, bộ nhận diện thương hiệu, đội ngũ nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng hoàn thiện. 
KCN CHUYÊN NN THACO THÁI BÌNH.jpg

KCN chuyên nông nghiệp THACO Thái Bình

Chiến lược của THACO
 
“THACO làm nông nghiệp” là một câu chuyện dài. Ngược thời gian về năm 2016, trong một hội thảo, Chủ tịch HĐQT THACO ông Trần Bá Dương có chia sẻ về mối lương duyên với nông nghiệp. Theo đó, với mong muốn đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển vượt bậc hơn nữa, THACO đã nhận được sự ủng hộ khi quyết định đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao. 
 
Năm 2017, THACO bước đầu hiện thực hóa con đường phát triển nông nghiệp, với bước đi đầu tiên là kết nối cùng Công ty chuyên sản xuất lúa gạo Lộc Trời. Ngày 8/4/2017 tại Hội nghị đầu tư và phát triển nông nghiệp nông thôn Thái Bình, THACO – Lộc Trời đã ký bản ghi nhớ đầu tư nông nghiệp với UBND tỉnh. Đồng thời, dự án Công nghiệp hóa nông nghiệp và vận hành chuỗi khép kín sản xuất, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, phân phối được khởi động. Đi kèm là các hạng mục quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 7.800 tỷ đồng là xây dựng khu công nghiệp chuyên nông nghiệp (diện tích khoảng 310 ha); xây dựng cảng và hệ thống vận chuyển chuyên dụng bằng đường thủy; xây dựng hệ thống nông trường (cánh đồng mẫu lớn) diện tích giai đoạn 1 khoảng 340 ha. 
 
Chưa dừng lại ở đó, cũng trong năm 2017, THACO tiếp tục bắt tay với LS Mtron, một tập đoàn Hàn Quốc mạnh về sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp. Thỏa thuận đạt được tạo điều kiện cho THACO tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ LS Mtron nhằm xây dựng nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị canh tác các loại... sử dụng trong nông nghiệp với tỷ lệ nội địa hoá 50% và phân phối độc quyền tại Việt Nam mang thương hiệu THACO. 
 
CẢNG THỦY NỘI ĐỊA.jpg
Cảng thủy nội địa
 
Giai đoạn sau năm 2018, THACO xác định chiến lược phát triển là trở thành “Tập đoàn công nghiệp đa ngành của Việt Nam mang tầm khu vực ASEAN”. Bên cạnh ô tô và cơ khí là chủ lực, nông nghiệp đã chính thức là một phần trong chiến lược phát triển mới của THACO. Tập đoàn nhấn mạnh tính chất “cơ giới hóa tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến và phân phối”, nghĩa là THACO quyết tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
 
SX MÁY NN.jpg
Sản xuất máy nông nghiệp
Ngày 21/2/2018, nhà máy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhất nước được khánh thành tại KCN Thaco Chu Lai (Quảng Nam). Công trình nằm trên diện tích 12.500m2 với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Ở giai đoạn đầu, nhà máy đạt công suất 2.000 máy kéo/năm, 3.000 bộ thiết bị canh tác và 1.000 máy gặt đập liên hợp. Thị trường trọng điểm xuất khẩu trong tương lai là Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia và các thị trường trong hệ thống kinh doanh của đối tác LS Mtron (Hàn Quốc). 
 
Hợp tác chiến lược với Hoàng Anh Gia Lai 
 
Tháng 8/2018, THACO tiếp tục quá trình mở rộng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bằng việc kết hợp với Hoàng Anh Gia Lai. Ở thời điểm đó, dư luận phần lớn nhận định mối lương duyên này chỉ ở khía cạnh giúp đỡ Hoàng Anh Gia Lai vượt qua khó khăn về tài chính. Trên thực tế, theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính sự kết hợp này đã mở ra cho THACO 2 cơ hội lớn: thuận lợi mở rộng lĩnh vực sản xuất qua nông nghiệp đồng thời tăng sự hiện diện của mình ở thị trường nước ngoài. Ngày 8/8/2018, lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa hai bên đã diễn ra. Sau đó, THACO đã ứng vốn trên 10.500 tỉ đồng giúp Hoàng Anh Gia Lai Agrico thuộc HAGL tái cơ cấu nợ và chuyển đổi một phần diện tích cây cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái; quy hoạch nông trường và ứng dụng giải pháp cơ giới hóa đồng bộ. 
 
Về phía mình, THACO tiếp tục nâng cao hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nông nghiệp. Ngày 18/3/2019, THACO thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp THADI chuyên thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp bao gồm: nghiên cứu phát triển nông nghiệp; nông trường mẫu và khu chăn nuôi mẫu thực nghiệm, sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ, sinh học; nhà máy chế biến trái cây; phân phối xuất khẩu trái cây cao cấp cho các thị trường nước ngoài. Ngày 24/3/2019, THACO khởi công xây dựng Khu công nghiệp Nông Lâm Nghiệp rộng 451 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng là 8.118 tỉ đồng. Trong số đó bao gồm nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng; đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ tháng 6 năm 2020 với công suất 200.000 tấn/năm.
 
NÔNG TRƯỜNG THANH LONG.jpg
Nông trường Thanh Long
Ngoài nhà máy chế biến, KCN Nông Lâm Nghiệp còn có trung tâm nghiên cứu về giống, vật tư nông nghiệp, công nghệ sinh học, hữu cơ và kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Các nông trường mẫu thực nghiệm sản xuất theo hướng công nghiệp, áp dụng cơ giới hóa và quản trị số hóa trên tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho các loại cây ăn trái như: bưởi, mít, xoài và cây lâm nghiệp có giá trị cao phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu khu vực miền Trung. Bên cạnh đó là các khu chăn nuôi thực nghiệm; sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ; khu kho lạnh tập trung chuyên dụng cho trái cây; nhà máy chế biến trái cây các loại để bao tiêu sản phẩm... Hệ thống cơ sở vật chất này được tư vấn, thiết kế, hỗ trợ bởi những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thiết bị sản xuất chế biến nông nghiệp như Tập đoàn Riekermann, tập đoàn GEA của Đức, công ty Bertuzzi của Ý và Trung tâm ứng dụng ngành thực phẩm khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 
 
DÂY CHUYỀN THU HOẠCH CHUỐI.jpg
Dây chuyền thu hoạch chuối
Cũng trong ngày 24/3/2019, lô hàng trái cây đầu tiên của THADI đã được xuất khẩu đi thị trường quốc tế với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và Ban lãnh đạo THACO: 30 container chuối được xuất khẩu từ cảng Chu Lai sang Thanh Đảo (Trung Quốc) với giá trị hơn nửa triệu USD. Đây là những kết quả đầu tiên THACO gặt hái được trên đường đua mang tên nông nghiệp, tất cả góp phần cho sự phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, công nghệ cao.
 
THACO tiếp tục thực hiện các công việc trong thời gian tới như sau: 
 
Tổ chức sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, chuyên biệt theo nhóm cây trồng, kết hợp nhiều loại cây và chăn nuôi hình thành hệ sinh thái hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sạch và có chất lượng, năng suất cao, đồng thời các phẩm đầu ra là đầu vào của nhau trong chuỗi giá trị để đảm bảo hiệu quả cao nhất. 
 
Đầu tư xây dựng Trung tâm thực nghiệm cây ăn trái, nghiên cứu phát triển giống cây trồng, công nghệ và kỹ thuật canh tác để chuyển giao cho nông dân và bao tiêu sản phẩm nhằm phát triển vùng trồng cây ăn trái tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tiến đến các tỉnh Đông Nam bộ.
 
silo bảo quan 2.jpg
silo bảo quan
Đầu tư sản xuất chế biến từ trái cây tươi với các sản phẩm là bột trái cây và nước cô đặc, đồng thời mời gọi các nhà đầu tư chế biến các sản phẩm bánh, kem, nước trái cây các loại… nhằm hình thành mô hình sản xuất tích hợp với giá rẻ nhất và các loại sản phẩm đa dạng phong phú nhất, đảm bảo năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
MÁY NN HOÀN THIỆN.JPEG
Máy nông nghiệp
Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp cho toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị như: kỹ thuật và trồng trọt, chăm sóc, cơ giới hóa, sản xuất chế biến... theo phương thức hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm trên thế giới để chuyển giao công nghệ và cử chuyên gia qua làm việc, đồng thời hợp tác với các trường đại học, trường cao đẳng để gia tăng đào tạo và tuyển dụng kỹ sư, cán bộ kỹ thuật; liên kết đào tạo công nhân nông nghiệp có tư duy, kiến thức tác phong công nghiệp nhằm đáp ứng từng bước nhu cầu sản xuất của THACO và cho ngành nông nghiệp Việt Nam.