Để nâng cao chất lượng các dịch vụ tại cảng Chu Lai, Công ty Giao nhận - Vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) thuộc Tập đoàn THACO đã đầu tư nhiều phương tiện, trang thiết bị hiện đại, trong đó hệ thống cẩu hàng Liebherr là phương tiện xếp dỡ hàng hóa không thể thiếu tại cảng. Đảm nhận điều khiển, vận hành cẩu là đội ngũ các lái cẩu với tay nghề cao, giàu kinh nghiệm. Mặc dù làm việc với cường độ cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng các anh luôn chủ động vượt khó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đáp ứng đa dạng các yêu cầu làm hàng theo kế hoạch tàu.
 
7. Anh Sang đang vận hành cẩu Liebherr-WEB.jpg
 
Anh Trần Hoàng Sang đang vận hành cẩu Liebherr
 
Hiện nay, cùng với đầu tư mở rộng hệ thống kho bãi, THILOGI đã trang bị các thiết bị xếp dỡ tiến tiến, đồng bộ như: cẩu bánh lốp, xe nâng chụp, xe nâng và trên 50 xe đầu kéo có công suất lớn… nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của cảng Chu Lai. Trong đó, hệ thống cẩu Liebherr có tầm với 34m, công suất 45 tấn, mang nhiều ưu điểm vượt trội như tầm với xa, phạm vi hoạt động rộng, có thể bốc xếp đa dạng các loại hàng hóa và dễ dàng lắp thêm các thiết bị dỡ hàng khác… Tại cảng hiện có 4 cẩu Liebherr với 11 nhân sự vận hành, chủ yếu là xếp dỡ hàng container từ tàu xuống xe đầu kéo và ngược lại để phục vụ xuất - nhập khẩu và vận tải biển nội địa. Việc điều khiển cẩu đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, tính an toàn tuyệt đối, đồng thời phải đảm bảo năng suất, tiến độ.
 
10. Cẩu Liebherr làm hàng tại cảng Chu Lai.-edit WEB.jpg
 
 Cẩu Liebherr làm hàng tại cảng Chu Lai.
 
1. Anh Huỳnh Văn Duy đang khởi động máy cầu Liebherr-WEB.jpg
 
Anh Lê Duy Trinh đang vệ sinh tủ điều khiển cẩu Liebherr
 
Là nhân sự lái cẩu từ những ngày đầu thành lập cảng Chu Lai, đến nay anh Huỳnh Văn Duy đã quá quen với việc vận hành trong cabin cách mặt đất gần 25m. 
 
Thành thục là thế, nhưng nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề, anh phải mất một khoảng thời gian để tập quen với vị trí làm việc đặc biệt này. Giờ đây, nỗi sợ độ cao đã nhường chỗ cho sự hào hứng và nỗ lực nâng cao hiệu quả công việc. Từ trên khoang lái, anh có tầm nhìn bao quát để quan sát, điều khiển giá cẩu chụp lên container, sau đó nâng container từ trên tàu xuống đúng vị trí xe đầu kéo ở phía dưới. Anh Duy chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi các lái cẩu phải tập trung cao độ, quan sát tỉ mỉ dù ở khoảng cách khá xa. Chúng tôi vẫn hay nói vui rằng làm nghề này phải “nhìn xa, trông rộng”. Trong quá trình di chuyển, bốc xếp hàng hóa phải hết sức cẩn trọng bởi hàng được xếp dỡ chủ yếu là container có kích thước, khối lượng lớn. Bên cạnh đó, lái cẩu phải phối hợp nhịp nhàng với các công nhân xếp dỡ, xe đầu kéo… để vận hành chính xác trong từng thao tác, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về người, hàng hóa, phương tiện”.
 
Thời tiết ảnh hưởng khá lớn đến vận hành cẩu. Mùa hè, ánh nắng mặt trời có thể gây chói mắt. Mùa mưa, tầm nhìn cũng bị hạn chế. Đặc biệt là mùa gió lớn, container hàng đang trong quá trình cẩu có thể bị lắc lư, chao nghiêng khi gặp gió mạnh. 
 
4. Anh Lê Duy Trinh đang vệ sinh tủ điều khiển cẩu Liebherr-WEB.jpg
 
Anh Trần Hoàng Sang đang vận hành cẩu Liebherr
 
Anh Lê Duy Trinh - một trong những lái cẩu giàu kinh nghiệm cho biết: “Trong điều kiện thời tiết bất lợi, người vận hành cẩu phải có khả năng quan sát, phán đoán để có sự điều chỉnh phù hợp, không để xảy ra các sự cố, va chạm... nhất là lúc có gió lớn kèm theo mưa. Khi làm việc, mỗi người có một “thế” cẩu khác nhau. Tôi thường điều khiển cẩu đứng làm hàng với góc quay 30-45 độ để xếp dỡ hàng nhanh hơn thay vì đứng góc 90 độ. Trung bình mỗi người sẽ xếp dỡ khoảng 60-70 container/ca làm tùy vào thế tàu và sơ đồ bay. Nhưng có thời điểm, tàu Trường Hải Star2 cần làm hàng gấp, tôi đã xếp dỡ đạt 123 container/ca. Tôi rất vui vì đã góp phần đẩy nhanh tiến độ công việc, giúp giải phóng tàu nhanh chóng”. Với những nỗ lực nâng cao năng suất lao động, trong hai năm liên tiếp, anh Trinh vinh dự nhận danh hiệu Cá nhân xuất sắc. 
 
 
Công việc lái cẩu Liebherr tại cảng Chu Lai được chia thành 4 ca/ngày. Tuy nhiên, có những thời điểm hàng hóa nhiều, lịch tàu gấp, bộ phận lái cẩu phải làm việc 2 ca/ngày để bảo đảm tiến độ. Anh Trần Hoàng Sang - người đã có gần 10 năm gắn bó với công việc này chia sẻ: “Lúc khó khăn, cần xếp dỡ hàng gấp, các anh em đều động viên nhau cố gắng làm việc thêm giờ để tàu xuất bến đúng kế hoạch. Những lúc ấy, công ty cần sự nỗ lực của từng nhân sự nên chúng tôi đều không nề hà vất vả, cùng nhau góp sức để bốc xếp hàng hóa một cách an toàn, nhanh chóng, đúng giờ. 
 
Những ngày không xếp dỡ hàng, chúng tôi tham gia kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng cẩu để thiết bị luôn hoạt động ổn định, hiệu quả”. Thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ gặp khó, do đó, vận tải biển được coi là giải pháp quan trọng giúp lưu thông hàng hóa, giảm gánh nặng và áp lực về logistics. Điều này kéo theo lượng hàng hóa cần xếp dỡ tại cảng Chu Lai sẽ tăng lên, các lái cẩu sẽ thêm nhiều việc. Tuy nhiên, các anh đều hăng hái, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Mỗi lần nghỉ giải lao, nghỉ giao ca, ngồi trên khoang lái, anh Duy và các đồng nghiệp có khoảng thời gian ngắn để ngắm nhìn toàn cảnh cảng Chu Lai từ trên cao, lúc bình minh, khi hoàng hôn… Với các lái cẩu, đây là lúc giải tỏa căng thẳng, lấy lại nguồn năng lượng, hứng khởi để tiếp tục nỗ lực vượt khó, nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các anh chứng kiến sự đổi thay của cảng, cảnh giao thương hàng hóa tấp nập trên bến dưới thuyền… từ đó thêm yêu mến, tự hào, tiếp tục gắn bó và tận tâm cống hiến, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của cảng Chu Lai nói riêng, THILOGI nói chung.
 
8. Các công nhân bộ phận lái cẩu - Tập thể xuất sắc năm 2019 (2)-WEB.jpg
 
Các công nhân bộ phận lái cẩu - Tập thể xuất sắc năm 2019